Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2010

NGHỀ GIÁO VIÊN

Tôi không thích nghề giáo viên. Hồi còn nhỏ, mấy đứa con gái hầu như khi được hỏi lớn lên muốn làm nghề gì, đều trả lời không ngần ngại: “Con muốn làm cô giáo.”.Cuộc đời đưa đẩy không cho tôi chọn lựa như ý mình ,cuối cùng tôi học vẽ và làm 1 giáo viên dạy mĩ thuật.

12 năm đi học, mỗi năm học hơn chục môn, sơ sơ tôi đã biết tới hơn 100 thầy cô giáo, mỗi người một vẻ, mỗi người một tính cách.

Có những thầy cô rất khó tính. Họ yêu cầu cẩn thận từng ly từng tý, chỉ cần quên kẻ chân đề mục là sẽ mất ngay 2 điểm trong bài kiểm tra. Mỗi lần lên bảng, cả lớp lại run lập cập, dù rõ ràng là đã làm bài tập về nhà, nhưng điểm tối đa luôn là điều xa vời quá.

Có một cô giáo lại hay phạt học sinh. Học sinh cấp 1 thường lười ăn trưa, luôn cố gắng lấy ít cơm ăn nhanh để kịp ra sân đá bóng. Hãy cẩn thận, cô mà biết là bạn sẽ được đứng góc lớp, dọn phòng cho các bạn.

Có cô lại rất dễ thương, luôn được học sinh quý, như cô Mỹ thuật chẳng hạn. Lúc nào cũng cười tươi, với cô học sinh nào cũng là một nghệ sĩ. Cô hiền, thế nhưng giờ cô học sinh lại chả ầm ĩ lộn xộn bao giờ. Lớp học của cô không bó gọn trong bốn bức tường, mà có thể ở ngoài sân chơi, sân bóng, hay công viên đối diện sân trường. Giờ học vẽ như một khoảng thời gian “chạy trốn” những áp lực học hành mà học sinh vừa trải qua.

Có cô giáo nhìn rất thiếu sức sống. Cô vào lớp như cái bóng, hét rạc cả người mà không có đứa nào chịu yên. Cô giảng bài ở trên, học sinh rì rầm ở dưới, giờ kiểm tra mình cô không thể quản lý hết bọn “nhất quỷ nhì ma”.Cô lúc nào cũng ngồi một mình, không học sinh, không bè bạn, ai có thể ngờ đấy là một cô giáo chứ…

Có thầy giáo hiền đến nỗi suốt ngày bị học sinh gạt. Học sinh luôn tìm mọi cách trốn tránh kiểm tra bài cũ, cứ đến giờ thầy lại kêu hôm nay bọn em thi môn này môn kia, thầy thông cảm. Thầy vui vẻ dạy bài mới. Đến cuối năm thiếu điểm miệng, cả lớp lại cùng làm một bài kiểm tra bù, lại những lời kêu ca đến khi thầy cho một cái đề thật dễ.

Có thầy giáo khác lại như robot. Đúng giờ từng phút : đến lớp, dạy học, ra về. Thầy dạy nói nhanh khủng khiếp, cũng chẳng buồn để ý học sinh có hiểu hay không, chỉ miễn là xong giáo án. Trống là ra ngay khỏi lớp, chẳng ai kịp hỏi han thắc mắc điều gì.

Có một cô giáo mắc chứng nói nhiều. Mỗi giờ giảng là một bài diễn văn lê thê miên man vô tận. Bài học hôm đó chỉ là một phần, học sinh được nghe về đủ mọi thứ trên trời dưới biển, kể cả những điều không liên quan,những câu chuyện vui . Mỗi khi cô kêt thúc, cả lớp lại vỗ tay nhiệt tình, thật sai lầm vì cô cho rằng đó là một sự hưởng ứng, nên những câu chuyện lại tiếp tục dài mãi. Nhưng cũng vì thế mà học sinh biết thêm nhiều thứ, giá xăng đang lên, con gái tuổi dậy thì hay gặp vấn đề này vấn đề nọ…

Có cô giáo khác lại vô cùng nghiêm khắc. Cô nói hẳn là đứa nào dám nói chuyện trong giờ cô, cô sẽ phạt đấy. Và cô làm thật. Cả lớp im lặng không dám ho he. Cũng may là cô giảng bài rất hay, đến giờ cứ lặng đi mà nghe. Chẳng may bài giảng cô không hấp dẫn, có lẽ nhiều đứa đã phải đứng ra chịu đòn.

Có một thầy giáo lại thật nghiêm khắc. Sẵn sàng đuổi học sinh ra khỏi lớp vì những lí do nhỏ nhặt ,mắng học sinh không tiếc lời nếu học sinh không làm được bài tập. Không hiểu các thầy cô như thế có biết rằng họ đang làm xấu đi hình ảnh của người giáo viên trong mắt học sinh hay không?

Có thật nhiều, thật nhiều thầy cô giáo trên đời. Các thầy cô đơn giản cũng chỉ là con người như chúng ta mà thôi, cũng có cảm xúc, có những nỗi lo cuộc sống, gia đình. Có thầy cô chúng ta yêu vô cùng, nhưng cũng có người khiến chúng ta cảm thấy thoải mái khi không phải học môn đó nữa. Dù có nhăn nhó, chán nản thế nào thì chúng ta vẫn phải đến trường hàng ngày. Vì thế, hãy gạt những khó chịu sang một bên, hãy hiểu thầy cô như hiểu một con người, và biết ơn thầy cô vì những tri thức, những câu chuyện dài, những kinh nghiệm sống họ đem lại cho chúng ta, bạn nhé.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét